a
0
Tin Hay Nhà Đất trên
Ngày 21.12, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức Hội thảo "Kết quả khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2023 và kết quả khai quật nghiên cứu khảo cổ từ năm 2011 đến nay tại Hoàng thành Thăng Long".PGS-TS Tống Trung Tín cho biết đã tìm thấy dấu tích nền thời Lê sơ và Lê Trung hưng. Do các móng cột không đồng nhất, các nhà khảo cổ cho rằng có thể nhận định tuy nằm cùng một vị trí nhưng vị trí cụ thể của chính điện Kính thiên thời Lê sơ lệch một chút so với chính điện Kính Thiên thời Lê Trung hưng.Cũng theo ông Tín, cộng với các nghiên cứu liên tiếp qua nhiều năm, giờ đây mặt bằng của điện Kính Thiên đã được nhận diện rõ ràng hơn thời điểm Hoàng thành Thăng Long trở thành di sản thế giới rất nhiều. Dấu tích điện Kính Thiên thời Lê Trung hưng đã xuất lộ 17 móng cột, tổng diện tích chính điện này khoảng 1.485 m2. Diện tích móng phía đông và phía tây cho thấy mặt bằng kiến trúc có dấu hiệu của 2 gian hồi nghĩa là đã khoanh lại quy mô của kiến trúc. Từ các dấu hiệu này, đối chiếu với các tham số của cổng Đoan môn, Ngự đạo, đoàn khai quật bước đầu xác định được phần nền móng đã xuất lộ có quy mô 9 gian.
Các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy dấu tích sân Đại triều hay sân Đan trì, dự đoán tổng thể khoảng 12.000 m2. Dấu tích sân thời Lê Trung hưng lát gạch vồ màu xám và màu đỏ, sân thời Lê sơ lát gạch vuông màu đỏ, móng đền đắp đất sét sạch, công phu. Dấu tích Ngự đạo cũng được tìm thấy. Dù mặt Ngự đạo đã bị phá hủy hầu hết nhưng vật liệu để lại cho thấy có thể thời Lê Trung hưng mặt đường lát đá, thời Lê sơ lát gạch vuông cỡ lớn.
Các cuộc khai quật cũng phát hiện trên 70 cấu kiện kiến trúc gỗ sơn son thếp vàng 9999 của một kiến trúc gỗ cao tầng thời Lê sơ. Khai quật phát hiện một hệ thống ngói rồng tráng men xanh, men vàng được thể hiện thành một con rồng chạm nổi độc đáo chỉ có ở Thăng Long, chỉ có ở VN. Đặc biệt, một mô hình nhà cũng được tìm thấy, đó là kiến trúc đất nung nhiều tầng tráng men ghi lại cấu hình của một kiểu mái lợp, một kiến trúc khung gỗ thời Lê sơ có trang trí rồng, sen. Cũng tìm thấy một thẻ đồng có tên "Cung nữ xuất mãi bài" là thẻ cấp cho cung nữ được phép ra vào nội cung để mua bán, chứng minh sinh động cho một khía cạnh sinh hoạt đời thường của cấm cung Thăng Long thế kỷ 15.
PGS-TS Tống Trung Tín cho biết các nhà khoa học đã đi được 60% quãng đường nhận thức phục dựng điện Kính Thiên.
Dù có nhiều thành quả, PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, vẫn tiếp tục đề xuất các hướng nghiên cứu điện Kính Thiên tiếp theo. Ông Bài nói: "Tư liệu lịch sử, tư liệu khảo cổ nếu được cũng mới chỉ cho phép ta mường tượng về cái vỏ kiến trúc. Đã nói đến kiến trúc là phải nói đến nội thất. Cho nên cần nghiên cứu chuyên đề để phục dựng được nội thất. Chứ cung điện trống rỗng thì cũng không thể làm những chức năng mới. Đây là vấn đề cần đặt ra trong phục dựng điện Kính Thiên".
Dành cho bạn
Từ khoá
Bình luận (0)
CÔNG TY TNHH TIN HAY NHÀ ĐẤT
Giấy phép: MST: 0315812728
Email: tinhaynhadat@gmail.com
Điện thoại: 0352739153
Địa chỉ: 23 Cửu Long, Phường 2, Tân Bình, TP.HCM
Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Viết Khim
hợp tác truyền thông và quảng cáo
Email: tinhaynhadat@gmail.com
Điện thoại: 0352739153
Địa chỉ: 23 Cửu Long, Phường 2, Tân Bình, TP.HCM
(Để tránh hiểu lầm là spam xin hãy nêu rõ chi tiết khi liên hệ chat lần đầu)